Một vụ việc gây bức xúc đang xảy ra tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), khi ông Nguyễn Minh H. – người mua lại nhà đất từ giao dịch hợp pháp thông qua ngân hàng và đã đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – cho biết tài sản của mình đang bị chiếm giữ bất hợp pháp, dù toàn bộ quy trình chuyển nhượng đều đúng theo quy định pháp luật.

Trước đó, vào tháng 6/2023, ông Đào Thiện Hà An (ngụ Q.Bình Thạnh) mượn tiền của ông Dương Xuân T. với tổng số tiền hơn 3,39 tỷ đồng. Để làm tin, ông An ký giấy ủy quyền toàn phần và giao giấy tờ nhà đất tại TP.Thủ Đức cho ông T. Các khoản tiền được chuyển khoản nhiều đợt, có sao kê rõ ràng.

Đến đầu tháng 10/2023, hai bên thống nhất chuyển thoả thuận giao dịch mua bán chính thức tài sản nêu trên. Sau khi thống nhất giá cả, hợp đồng ủy quyền được hủy, các thủ tục mua bán được thực hiện đầy đủ qua công chứng, ngân hàng thẩm định và giải ngân. Sau đó, ông T. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 04/01/2024 – xác lập rõ ràng quyền sở hữu của ông T. đối với tài sản này.

Tháng 3/2024, ông Nguyễn Minh H. nhận chuyển nhượng lại tài sản từ ông T. thông qua giao dịch công chứng và vay ngân hàng theo đúng trình tự pháp luật. Tuy nhiên, kể từ thời điểm hoàn tất giao dịch đến nay, ông H. vẫn không thể sử dụng tài sản vì người từng sở hữu trước đó – ông An – vẫn cố tình cư trú và chiếm giữ.Dù đã đăng bộ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng ông H. vẫn không được sử dụng tài sản của mình.

Điều đáng nói, ông An không còn bất kỳ quyền lợi pháp lý nào đối với căn nhà. Việc ông từng ký bán cho ông T., đã nhận tiền, hủy hợp đồng ủy quyền cũ và hoàn tất toàn bộ thủ tục sang tên là bằng chứng không thể phủ nhận. Thế nhưng, ông An vẫn cố tình ở lại, nhiều lần hứa hẹn sẽ bàn giao, nhưng liên tục thất hứa, thậm chí né tránh gặp mặt và đưa thêm người vào ở cùng.

“Tôi đã nhiều lần gửi thông báo yêu cầu bàn giao. Có lúc ông An ngồi ngay trước ngân hàng nhưng tránh mặt. Tài sản tôi mua đúng quy định mà không thể sử dụng. Mỗi tháng tôi phải trả hơn 100 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay ngân hàng,” ông H. bức xúc nói.

Trong suốt quá trình thẩm định hồ sơ, ông An vẫn có mặt để mở cửa cho ngân hàng kiểm tra tài sản – điều này cho thấy ông hoàn toàn biết rõ tài sản đã được chuyển nhượng. Dù vậy, ông vẫn khẳng định chỉ bàn giao khi “có quyết định của tòa”, trong khi không có bất kỳ vụ tranh chấp nào đang được thụ lý tại thời điểm này.Dù đã thoả thuận, ngân hàng cũng đã thẩm định và giải ngân cho ông An đầy đủ nhưng ông An vẫn không bàn giao tài sản.

Đáng chú ý, ông An từng chủ động đề xuất mua lại căn nhà, nhưng sau đó không đưa ra mức giá cụ thể, không thanh toán, cũng không tiến hành thương lượng minh bạch – cho thấy sự kéo dài có chủ đích, không nhằm mục đích giải quyết mà để tiếp tục chiếm giữ.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Minh Bảo Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: “Giao dịch đã hoàn tất, tài sản đã sang tên đúng quy định, nghĩa vụ tài chính thực hiện đầy đủ. Người bán không còn bất kỳ quyền lợi gì mà vẫn cư trú, chiếm giữ – đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu. Nếu kéo dài và gây thiệt hại, có thể bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 175 Bộ luật Hình sự với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”

Hiện ông H. đã có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xử lý hành vi chiếm giữ trái phép. Các tài liệu về giao dịch, giấy chứng nhận và quá trình làm việc đã được cung cấp đầy đủ để phục vụ điều tra.

Vụ việc một lần nữa đặt ra hồi chuông cảnh báo cho người dân khi mua bất động sản. Dù đã mua đúng quy trình, nếu bên bán cố tình cư trú bất hợp pháp hoặc viện lý do mơ hồ để kéo dài, chủ mới vẫn có thể trở thành nạn nhân. Sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cơ quan chức năng là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và ngăn chặn tình trạng chiếm đoạt tài sản dưới danh nghĩa “tranh chấp dân sự”.