tp-berlin-duc-1717663415.jpg
 

1. Tổ chức và hoạt động của Ủy ban Dân nguyện Cộng hòa Liên bang Đức

1.1. Vị trí pháp lý và chức năng của Ủy ban Dân nguyện

- Về vị trí pháp lý: Ủy ban Dân nguyện (UBDN) Đức[1] (Petition Committee) được quy định tại Điều 45c Hiến pháp Đức năm 1948: “Hạ viện chỉ định UBDN để thụ lý các yêu cầu và khiếu nại đến Hạ viện theo Điều 17. Quyền hạn xem xét khiếu nại của Ủy ban được quy định bởi một đạo luật liên bang”[2]. Như vậy, UBDN là một loại ủy ban chuyên trách nằm trong cơ cấu của Nghị viện. Việc hiến định vị trí pháp lý của UBDN chứng tỏ rằng cơ quan này rất được coi trọng, có tính độc lập nhất định trong mối quan hệ với Nghị viện mặc dù là cơ quan thuộc Nghị viện[3].

- Về chức năng: Điều 45c Hiến pháp Đức năm 1948 khẳng định vị trí pháp lý, đồng thời cũng đã quy định chức năng (phương diện hoạt động chủ yếu) của UBDN là tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu và khiếu nại của người dân khi được gửi tới Hạ viện. Chức năng của UBDN xuất phát từ trách nhiệm của Nhà nước, cụ thể là Nghị viện về bảo đảm quyền khiếu nại của người dân được quy định tại Điều 17 Hiến pháp Đức năm 1948[4]. UBND trở thành nơi “đo lường” được tâm tư, ý nguyện của người dân đối với các quy định pháp luật, liệu pháp luật đã đạt được mục tiêu đặt ra hay phát sinh những vấn đề mới và do đó cần được xem xét lại một cách nghiêm túc hay không hoặc Ủy ban có thể đưa ra kiến nghị về việc Nghị viện Đức có nên hoạt động tích cực trong một vấn đề cụ thể nào đó để thỏa mãn mong muốn của người dân[5].

Chức năng của UBDN chi phối phạm vi đơn thư khiếu nại mà cơ quan này có thẩm quyền thụ lý. Luật về thẩm quyền của UBDN Đức quy định, đơn kiến nghị gửi đến UBDN là văn bản trong đó yêu cầu hoặc khiếu nại được đưa ra dựa trên nhân danh chính mình, cho bên thứ ba hoặc vì lợi ích chung[6]. Như vậy, các yêu cầu, khiếu nại của người dân mà Ủy ban này tiếp nhận có đặc điểm khác so với những cơ quan giải quyết khiếu nại thông thường ở chỗ, phạm vi nội dung có thể liên quan đến những vấn đề chung của xã hội, của Nhà nước, có thể liên quan đến quan điểm chính trị mà người dân ủng hộ hoặc phản đối[7]...

1.2. Về nhiệm vụ, quyền hạn và quy tắc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân nguyện

- Theo Luật về thẩm quyền của UBDN và các đạo luật có liên quan về quyền và thủ tục khiếu nại của Đức, khi nhận được các đơn thư khiếu nại hoặc là những thỉnh nguyện của người dân, UBDN trách nhiệm và quyền hạn[8]: (i) Xây dựng các nguyên tắc xử lý các yêu cầu, khiếu nại và sử dụng chúng làm cơ sở cho quyết định của mình trong mỗi trường hợp[9]. (ii) Khi các yêu cầu nộp hồ sơ, thông tin hoặc tiếp cận cơ sở được gửi trực tiếp tới các cơ quan có thẩm quyền của Liên bang và các cơ quan doanh nghiệp, tổ chức và quỹ liên bang theo luật công, Ủy ban sẽ phải thông báo cho thành viên có liên quan của Chính phủ Liên bang được biết. (iii) Thông báo kịp thời cho thành viên của Chính phủ Liên bang liên quan đến thư khiếu nại về bất kỳ phiên điều trần nào của người khởi kiện, nhân chứng hoặc chuyên gia. (iv) Quyết định giao nhiệm vụ cho thành viên cụ thể của Ủy ban Dân nguyện để giải quyết khiếu nại. Quyết định phải nêu rõ tính chất và phạm vi của các quyền hạn được chuyển giao[10].

- Phạm vi giải quyết khiếu nại, yêu cầu của UBDN gồm[11]: (i) Các kiến nghị thuộc phạm vi lĩnh vực thẩm quyền của Chính phủ Liên bang, các cơ quan liên bang và các tổ chức khác thực hiện các chức năng công cộng; (ii) Giải quyết các kiến nghị liên quan đến các cơ quan hiến định khác của Liên bang theo Hiến pháp Đức; giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc thi hành luật liên bang hoặc Luật Cộng đồng châu Âu theo quy định của Hiến pháp Đức; (iii) Giải quyết các kiến nghị liên quan đến thủ tục pháp lý ở cấp liên bang.

- Phương hướng giải quyết khiếu nại, yêu cầu của UBDN[12]: (i) Thông thường, các khiếu nại, yêu cầu đủ điều kiện sẽ được Ban Dịch vụ của Ủy ban nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đơn thư đó. (ii) Trong trường hợp người nộp đơn không đồng ý với hướng giải quyết của Ủy ban Dịch vụ thì Ban sẽ đề xuất gửi khiếu nại đến 02 nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền và đảng đối lập. Ngoài ra, mọi nhóm nghị sỹ khác có đại diện trong Ủy ban có thể yêu cầu một báo cáo viên của riêng mình để tham gia giải quyết khiếu nại[13]. Sau khi xem xét nếu hai nghị sỹ không thống nhất được hướng giải quyết và không đồng ý với đề xuất của Ban thư ký thì sẽ được đưa ra phiên họp toàn thể của Ủy ban để thảo luận và biểu quyết thông qua xử lý vụ việc[14].

- Thông báo kết quả giải quyết của Ủy ban: (i) Các đơn đã được giải quyết sẽ được chuyển cho Hạ viện theo danh sách đi kèm với kiến nghị. Sau khi Hạ viện đưa ra quyết định về kiến nghị giải quyết, Chủ tịch Ủy ban sẽ thông báo cho người có khiếu nại, yêu cầu về việc kiến nghị của họ đã được xử lý như thế nào. Trong trường hợp người nộp đơn là một tập thể không có tư cách pháp nhân thì sẽ thông báo đến địa chỉ người đại diện cho nhóm, nếu không có địa chỉ cụ thể thì UBDN sẽ quyết định phương thức thông báo công khai[15]. (ii) Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Ủy ban theo thẩm quyền sẽ gửi các kiến nghị của Ủy ban đến các cơ quan có trách nhiệm để tiếp thu, xem xét, đồng thời quy định thời hạn cụ thể để thực hiện các yêu cầu đó. Hầu hết các khuyến nghị này đều được các cơ quan chịu trách nhiệm tiếp thu nghiêm túc.

1.3. Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân nguyện

UBDN do Hạ viện thành lập theo quy định của Hiến pháp. Để đáp ứng nhu cầu công việc, UBDN gồm có: Chủ tịch Ủy ban, 01 Phó Chủ tịch Ủy ban và khoảng 30 thành viên thông thường và mỗi thành viên sẽ có một thành viên thay thế tương ứng để có thể thực hiện công việc khi khuyết thành viên thông thường[16]. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban được bổ nhiệm trên cơ sở thỏa thuận bởi các nhóm nghị sỹ thành viên. Chủ tịch giữ vai trò là người chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ủy ban. Các bộ phận gồm: Ban Dịch vụ, 04 phòng chuyên môn.

1.4. Về hình thức hoạt động của Ủy ban Dân nguyện

- Thực hiện các cuộc họp của Ủy ban: Các phiên họp của UBDN chủ yếu để giải quyết các công việc liên quan đến chức năng dân nguyện, như đã phân tích, UBDN tiến hành họp để thông qua các phương hướng giải quyết khiếu nại mà Ban Dịch vụ và các thành viên được phân công giải quyết khiếu nại đề xuất. Trong đó, một số cuộc họp của Ủy ban sẽ được công khai, có tính chất tham vấn cộng đồng[17]. Tại cuộc họp, các thành viên của Ủy ban có quyền phát biểu và biểu quyết bằng bỏ phiếu. Bên cạnh đó, còn có một số đại biểu không thuộc thành viên của Ủy ban do Hạ viện chỉ định tham gia cuộc họp các Ủy ban, họ có quyền phát biểu nhưng không có quyền biểu quyết.

- Lập các báo cáo hàng tháng, thường niên: Theo quy định pháp luật Đức, để Nghị viện nắm bắt được thực tiễn hoạt động của UBDN, Ủy ban này phải tiến hành báo cáo về các nội dung đã được giải quyết lên Nghị viện dưới dạng một danh sách cùng với khuyến nghị. Báo cáo phải được nộp hàng tháng. Ngoài ra, UBDN còn đệ trình lên Hạ viện một báo cáo bằng văn bản hàng năm về công việc của mình. Các báo cáo thống kê đầy đủ các số liệu và lĩnh vực hoạt động cụ thể của Ủy ban trong một năm. Các báo cáo sẽ được in, phân phát và đưa vào chương trình nghị sự trong vòng ba tuần, kể từ ngày họp sau khi chúng được phân phát[18].

2. Một số kiến nghị hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Ban Dân nguyện ở Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện quy định về vị trí pháp lý nhằm phát huy hơn nữa chức năng, vai trò của Ban Dân nguyện.

Cũng giống như Hiến pháp Đức hay hiến pháp của nhiều quốc gia khác, tinh thần của Hiến pháp Việt Nam rất coi trọng vấn đề dân nguyện[19]. Hiện nay, công tác dân nguyện của Quốc hội được đảm nhận chuyên trách bởi Ban Dân nguyện, cơ quan thuộc cơ cấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được thành lập theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội[20]. Như vậy, Ban Dân nguyện chưa phải là một Ủy ban của Quốc hội và địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện chưa được luật định. Các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng mới đặt ra khung pháp lý cơ bản mà chưa quy định chi tiết, cụ thể phương thức hoạt động, quy trình thủ tục giải quyết công việc của Ban Dân nguyện…[21].

Theo tác giả, để nâng cao hiệu quả trong công tác dân nguyện của Quốc hội, trước hết, cần sớm quy định trong văn bản Luật về tổ chức và hoạt động của Ban Dân nguyện. Có thể quy định về Ban Dân nguyện là một nội dung trong Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi hoặc có thể ban hành một đạo luật riêng để xác định rõ ràng, đầy đủ cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ban Dân nguyện. Về lâu dài, Quốc hội cần xem xét để phát triển Ban Dân nguyện trở thành UBDN - cơ quan chuyên trách hoạt động thường xuyên của Quốc hội bởi những lý do sau: (i) Đáp ứng sự đa dạng hóa các loại ủy ban của Quốc hội theo hướng chuyên biệt, chuyên nghiệp, đáp ứng trong phạm vi chức năng cụ thể của Quốc hội, ví dụ: Ủy ban Giám sát, Ủy ban Hiến pháp, UBDN… (ii) Ban Dân nguyện trở thành Ủy ban của Quốc hội sẽ tăng tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động của cơ quan này. Có thể tham khảo kinh nghiệm trong xây dựng UBDN của Đức là cơ quan chuyên trách thuộc Nghị viện, do Hạ viện thành lập được chủ động xây dựng nguyên tắc xử lý các khiếu nại, yêu cầu trên cơ sở quy định của pháp luật, trong quá trình giải quyết khiếu nại được quyền chủ động phân loại các vấn đề cần đưa ra Nghị viện để trao đổi góp phần hoàn thiện quy định pháp luật của Nghị viện, vấn đề nào cần gửi Chính phủ liên bang hay gửi đến Hội đồng Liên minh châu Âu… Việc nâng cấp Ban Dân nguyện thành UBDN sẽ làm cơ sở để trao cho cơ quan này nhiều quyền hạn hơn, quy mô tổ chức là một uỷ ban thường trực của Quốc hội cũng đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc của cơ quan này.

Thứ hai, cần nhận thức chức năng giải quyết khiếu nại của Ban Dân nguyện khác với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khác trong bộ máy nhà nước.

Việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân ở nhiều quốc gia cũng giao cho nhiều cơ quan giải quyết. Tuy nhiên, tính chất tham gia có sự khác nhau. Chẳng hạn, các cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thường là những vấn đề liên quan trực tiếp đến hành vi, quyết định của mình hoặc trong hệ thống cơ quan mình mà người dân cảm thấy xâm phạm đến quyền lợi ích của họ. Do đó, nội dung khiếu nại, tố cáo thường là những sự việc cụ thể, với cá nhân, tổ chức cụ thể. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính thực chất là xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình tác động đến người dân đã hợp lý hay chưa, nếu chưa thỏa đáng thì chủ động khắc phục. Còn Ban Dân nguyện như đã phân tích ở chức năng của UBDN của Đức, phạm vi nội dung khiếu nại, yêu cầu của người nộp đơn có thể liên quan đến cả những vấn đề chung của xã hội, của Nhà nước, đến quan điểm chính trị mà người dân ủng hộ hoặc phản đối… Mục đích giải quyết khiếu nại của Ban Dân nguyện là để thỉnh nguyện, tức là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy tốt vai trò đại diện của Quốc hội.

Việc nhận thức được bản chất chức năng giải quyết khiếu nại, yêu cầu của Ban Dân nguyện và phân biệt được với các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền tương tự là cơ sở quan trọng để phân loại khiếu nại, xác định phạm vi thẩm quyền giải quyết hay chuyển đơn thư khiếu nại cho các cơ quan nhà nước khác.

Thứ ba, hoàn thiện một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Ban Dân nguyện.

- Cần quy định rõ quy trình, thủ tục để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân nguyện:

+ Quy định rõ hơn về yêu cầu nội dung, hình thức báo cáo hàng tháng của Ban Dân nguyện. Hình thức, yêu cầu nội dung báo cáo cần được quy định rõ ràng, theo quan điểm của một số chuyên gia, báo cáo cần dành ra dung lượng nhất định để trình bày về các vụ việc cụ thể, phức tạp, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nhưng không được giải quyết trong thời gian dài, việc bổ sung nội dung này không chỉ giúp báo cáo trở nên khách quan, toàn diện, bảo đảm bao quát cả về diện rộng lẫn bề sâu, mà còn có tác động thực tế rất tích cực đến việc giải quyết các vấn đề, vụ việc cụ thể tồn đọng kéo dài[22].

+ Cần có quy định cụ thể về hình thức và nội dung các cuộc họp của Ban Dân nguyện theo hướng người dân dễ tiếp cận và nắm bắt nội dung. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Đức, theo đó, hàng năm, Ban Dân nguyện tổ chức 03 - 04 phiên họp công khai về những chủ đề nổi bật dựa trên việc phân loại nội dung và mức độ quan tâm thông qua các khiếu nại mà Ban Dân nguyện nhận được; có thể mời đại diện người có đơn khiếu nại liên quan đến chủ để, đại diện các cơ quan có thẩm quyền liên quan như từ phía các bộ, ngành, chính quyền địa phương…, có thể mời thêm các chuyên gia để cho ý kiến. Các phiên họp này có thể được thông báo công khai trên trang web của Quốc hội và được truyền hình trực tiếp. Nội dung cuộc họp, các hình ảnh số liệu có thể được hệ thống số hóa và người dân quan tâm có thể truy cập được.

+ Cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu thông tin đồng bộ, phân cấp để theo dõi việc xử lý đơn thư được hiệu quả. Theo thông tin của Ban Dân nguyện, có hoạt động tiếp công dân định kỳ, có đưa tin trên trang web nhưng chỉ mang tính chất thông tin chứ không ghi hình trực tiếp và cũng không thống kê thành hồ sơ lưu trữ để người dân có thể tiếp cận được chi tiết nội dung[23]. Nhà nước cần sớm lập trang thông tin riêng của Ban Dân nguyện để đáp ứng yêu cầu này.

Theo quy định pháp luật Đức, quốc gia này có trang web để đăng tải thông tin về các vụ việc được giải quyết bởi UBDN theo hình thức công khai. Những vụ việc công khai thường là những vấn đề có mối quan tâm chung của xã hội. Thông qua trang web, những người khác có thể được tham gia cùng với người làm đơn bằng cách gửi bình luận sẽ cung cấp tên, địa chỉ và địa chỉ email của họ, người dân quan tâm cũng được phép truy cập, đưa ra nhận xét. Thời hạn cho việc này là 04 tuần. Mặt khác, pháp luật cũng quy định những trường hợp không được công khai, giới hạn các bình luận nhận xét trên trang thông tin nếu thấy không hợp pháp, hợp lệ[24]…

- Cần kiện toàn nhân sự cho Ban Dân nguyện theo hướng đủ số lượng và chất lượng: Khối lượng công việc của Ban Dân nguyện ngày càng nhiều trong khi cơ quan tham mưu, giúp việc là Vụ Dân nguyện - bộ phận giúp việc cho Ban Dân nguyện lại đang thiếu biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ[25]. Như UBDN của Đức, thành viên lên tới gần 30 người, họ không làm việc trong các Ủy ban khác của Quốc hội, mỗi thành viên đều dự phòng một thành viên thay thế khi cần thiết. Bên cạnh đó, Ủy ban còn có Ban Dịch vụ và các phòng chuyên môn để tiếp nhận và xử lý công việc. Bộ phận Ban Dịch vụ không đơn thuần là giúp việc hành chính mà còn đóng vai trò là bước đầu tiên trong việc giải quyết khiếu nại. Họ có thể đưa ra các hướng đề xuất giải quyết khiếu nại cho Ủy ban. Nếu các đề xuất của họ không được sự tán thành của thành viên Ủy ban thì lúc đó, Ủy ban mới có những hành động tiếp theo để giải quyết khiếu nại. Nếu không thì các định hướng, đề xuất của Ban Dịch vụ về cơ bản chính là đã giải quyết được khiếu nại. Từ kinh nghiệm về tổ chức UBDN của Đức, để bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Dân nguyện, cần phải tăng số lượng nhân sự của Ban, thành viên của Ban nên là đại biểu hoạt động chuyên trách, không nên tham gia vào các Ủy ban hay các cơ quan khác của Quốc hội như hiện nay. Vụ Dân nguyện cần tăng số lượng và chất lượng nhân sự để có thể tham mưu cho Ban Dân nguyện và giúp Ban xử lý bước đầu các khiếu nại./.

TS. Thái Thị Thu Trang

Trường Đại học Luật Hà Nội

(Ảnh: Internet)

 

[1]. Có thể dịch tên cơ quan này là Ủy ban Thỉnh nguyện.

[2]. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, “Tuyển tập hiến pháp của một số quốc gia”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2012.

[3]. Số lượng ủy ban thường trực có thể khác nhau tùy theo nhiệm kỳ bầu cử này sang nhiệm kỳ bầu cử khác. Ví dụ, vào năm 1949, Nghị viện đầu tiên có tổng cộng 40 ủy ban thường trực, trong khi Nghị viện khóa sáu chỉ có 17 Ủy ban, https://www.bundestag.de/ausschuesse/einleitungstext-20-866418, truy cập ngày 27/02/2023. Hiện nay, Nghị viện Đức có 22 ủy ban thường trực, trong đó có nhiều ủy ban do Nghị viện Đức có quyền thành lập hoặc rút bớt nhưng việc hiến định sẽ khiến cho ủy ban này không thể tùy tiện thay đổi, Nguyễn Chí Dũng, “Mô hình UBDN của Cộng hòa Liên bang Đức”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số tháng 8/2007.

[4]. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tldd.

[5]. https://www-bundestag-de.translate.goog/petitionen?_x_tr_sl=de&_x_tr_tl=en&_x_tr_hl=en&_x_tr_pto=sc, truy cập ngày 27/02/2024.

[6]. Điểm 2.1, khoản 2 Mục IV. Nguyên tắc xử lý khiếu nại, yêu cầu của UBDN, Đạo luật về thẩm quyền của UBDN.

[7]. Các cuộc họp công khai của UBDN có nhiều chủ đề liên quan đến vấn đề chung của Nhà nước và xã hội chẳng hạn: Về hỗ trợ cho phong trào tự do ở Iran (họp ngày 12/12/2022); về tiếp tục vận hành nhà máy điện hạt nhân của Đức (họp ngày09/11/2022)…,https://www-bundestag-de.translate.goog/ausschuesse/a02_Petitionsausschuss/anhoerungen_inhalt-869280?_x_tr_sl=de&_x_tr_tl=en&_x_tr_hl=en&_x_tr_pto=sc, truy cập ngày 27/02/2024.

[8]. Điều 110. Quyền của Ủy ban Dân nguyện, Luật về thủ tục của Nghị viện Đức, https://www.bundestag.de/resource/blob/867822/9237e7d47f800e9458e7509c5595daf9/Rechtsgrundlagen_Englisch-data.pdf, truy cập ngày 27/02/2024.

[9]. Bên cạnh đó, UBDN còn phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục xử lý khiếu nại, yêu cầu theo Mục IV. Nguyên tắc UBDN xử lý khiếu nại, https://www.bundestag.de/resource/blob/867822/9237e7d47f800e9458e7509c5595daf9/Rechtsgrundlagen_Englisch-data.pdf, truy cập ngày 27/02/2024.

[10]. Điều 111 Luật về thủ tục của Nghị viện Đức.

[11]. Điều 5 Mục IV. Nguyên tắc UBDN xử lý khiếu nại.

[12]. Các khoản thuộc Điều 7.13 Mục IV. Nguyên tắc UBDN xử lý khiếu nại.

[13]. 7.11. Mục IV. Nguyên tắc UBDN xử lý khiếu nại.

[14]. Trần Hồng Cẩn, “Hoàn thiện tổ chức và hoạt động Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Hà Nội, năm 2015, tr. 24.

[15]. 9.1 Mục IV. Nguyên tắc UBDN xử lý khiếu nại.

[16]. https://www.bundestag.de/ausschuesse/einleitungstext-20-866418, truy cập ngày 27/02/2024.

[17]. https://www.bundestag.de/ausschuesse/einleitungstext, truy cập ngày 27/02/2024.

[18]. Điều 112. Khuyến nghị và báo cáo của Ủy ban Dân nguyện, Luật về Thủ tục của Nghị viện Đức, https://www-bundestag-de.translate.goog/ausschuesse/a02_Petitionsausschuss/petitionsausschuss_befugnisse-867800?_x_tr_sl=de&_x_tr_tl=en&_x_tr_hl=en&_x_tr_pto=sc, truy cập ngày 28/02/2024.

[19]. Điều 3, khoản 2 Điều 8, Điều 28, Điều 30 Hiến pháp năm 2013.

[20]. Nghị quyết số 370 /2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Dân nguyện, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 ngày 17/3/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện.

[21]. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng: “Hiện nay, Ban Dân nguyện chưa được xác định địa vị pháp lý tại văn bản luật nào. Vị trí chức năng của công tác dân nguyện của Quốc hội cũng như Ban chưa thực sự tương xứng với nhiệm vụ, vai trò của cơ quan thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội”, https://quochoi.vn/bandannguyen/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=244, truy cập ngày 03/3/2024.

[22]. https://quochoi.vn/bandannguyen/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=237.

[23]. https://quochoi.vn/bandannguyen/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=244.

[24]. Mục 7.6 Phụ lục Bộ quy tắc: Hướng dẫn Xử lý Đơn khởi kiện Công khai theo Quy tắc 7.1 (4) của Quy tắc Thủ tục, https://www.bundestag.de/resource/blob/867822/9237e7d47f800e9458e7509c5595daf9/Rechtsgrundlagen_Englisch-data.pdf, truy cập ngày 05/3/2024.

[25]. https://quochoi.vn/bandannguyen/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=244, truy cập ngày 03/3/2024.

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)