hui-bt-1717240031.jpg
 

Bất ngờ tuyên bố “bể hụi” hàng chục tỷ đồng

Bà P.D. Thảo (tại khu phố 4, phường Tân An, TX. La Gi, tỉnh Bình Thuận)  là chủ hơn 20 dây hụi, với hàng chục người trên địa bàn tham gia (trong đó có bà Thảo). Một dây hụi, mỗi hội viên phải đóng 50 triệu đồng một tháng. Mỗi tháng các hội viên sẽ họp lại để khui hụi và xác định ai là người sẽ hốt hụi (bằng cách bỏ phiếu giá).

Ngày 10/3/2023, bà Thảo bất ngờ tuyên bố “bể hụi” thì hàng chục người dân tại đây mới nhận ra “chiêu” chiếm dụng tiền của chủ hụi này. Tất cả đều khóc ròng vì bao nhiêu tiền bạc dành dụm bấy lâu nay bỗng chốc bị chiếm đoạt,…. cùng với số tiền đóng hụi và huy động mượn tiền của người chơi hụi lên đến gần hàng trăm tỷ đồng. Nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố giác lên các cơ quan chức năng nhưng vụ việc vẫn kéo dài.

Theo thông tin người chơi hụi cho biết, người góp ít nhất cũng vài trăm triệu đồng đến vài chục tỷ đồng, tổng số tiền biêu bà Thảo cầm cái lên đến gần hàng chục tỷ đồng.

Bà Trần Thị Mỹ Hiền, một người tham gia chơi hụi do bà Thảo làm chủ: “Tôi tham gia với bà Thảo 12 dây hụi, mỗi tháng phải đóng hơn 500 triệu đồng. Tôi đã hốt 3 dây, còn lại 9 dây. Sau khi bể hụi, bà Thảo đã nhận tiền hụi của tôi là 6,25 tỷ. Bà Thảo xin tôi bớt chút đỉnh để có tiền trả nhanh, tôi bớt 500 triệu. Bà Thảo viết giấy còn nợ tôi 5,75 tỷ.

“Khi đến kỳ hụi, bà Thảo liên tục hối thúc tôi, nếu không nộp hụi đúng hạn sẽ bị mất tiền lãi, khiến tôi phải lấy sổ đỏ đi vay tiền nộp. Bây giờ vỡ hụi thì mới lỡ ra nhiều việc, không chỉ “ôm” hết số tiền hụi, bà Thảo còn vay mượn, huy động vốn từ nhiều người trước khi vỡ hụi”.

Bà Hiền còn phản ánh: “Sau khi xảy ra “bể hụi”, tôi mới biết bà Thảo dùng tên tôi để hốt hụi. Cụ thể, theo tin nhắn với hội viên thì ngày 19/9/2022 và ngày 10/11/2022, thì tôi hốt hụi. Nhưng thực tế tôi không phải người hốt hụi. Bà Thảo đã dùng tên tôi để hốt những lần hụi đó.

Người chơi hụi trong đường dây bà Thảo (làm chủ hụi) cho rằng bà Thảo có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của các hụi viên bằng cách dùng tên của các hụi viên để hốt hụi nhưng các hụi viên không hề hay biết. Không những thế, bà Thảo còn lập khống những người không chơi hụi trong đường dây hụi để rút tiền hụi tiêu xài cá nhân.

Bà Hoàng Thị Trung (SN 1973) ngụ TX La Gi cho hay, sở dĩ người dân tin tưởng, giao số tiền lớn cho bà Thảo mà không mảy may nghi ngờ vì người này đứng tên nhiều tài sản nhà đất tại địa phương, các năm trước chủ hụi chung chi rất sòng phẳng. “Tính đến thời điểm hiện tại, bà Thảo còn nợ tôi gần 2 tỷ đồng, nhiều lần yêu cầu trả nợ nhưng chủ hụi vẫn không thực hiện và cố tình né tránh nên tôi đành phải kiện ra toà”.

Nhiều người đã làm đơn tố cáo hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Thảo lên VKS TX La Gi và đã được thụ lý vào ngày 2/1/2024 và đã chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT Công an TX La Gi để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

hui-bt1-1717240031.jpg
 

Tài sản thế chấp cho hụi viên nhưng mang đi bán.

Theo thông tin phản ánh của hội viên chơi hụi, để “hụi viên” tin tưởng và nhằm trì hoãn việc trả lại tiền, ngày 12/03/2023, bà Thảo mời Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Bình Thuận chứng kiến sự việc chủ hụi sẽ tiếp tục các dây hụi và bàn giao giấy tờ của 18 tài sản (trong đó có 17 bất động sản và 1 ô tô) bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1959, ngụ phường Phước Hội, LaGi) để đảm bảo.

Theo biên bản, bà Thảo cam kết 18 tài sản không tranh chấp, không bị nhà nước xử lý. Từ ngày 12/3/2023, 18 tài sản trên và các tài sản khác gồm quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản, vi bằng tín chấp, sở hữu các khoản vay và những tài sản có giá trị khác thuộc bà Thảo… sẽ không giao dịch, mua bán, thế chấp, công chứng dưới mọi hình thức nếu không thông báo cho các hội viên.

Đến hạn mà chủ hụi không trả thì dùng toàn bộ tài sản đang tạm giao cho bà Tuyết để ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng, sang tên cho những người được thỏa thuận.

Trong 18 tài sản thì có nhiều tài sản không đứng tên thuộc quyền sở hữu của bà Thảo.

Mặc dù tài sản đã đưa vào vi bằng để đảm bảo cho việc tiếp tục các dây hụi và nghĩa vụ trả tiền cho hụi viên nhưng ngày 18/3/2023, bà Thảo lại dùng 1 trong 18 tài sản nêu trên viết giấy chuyển nhượng, cấn trừ nợ hụi cho bà Trần Thị Mỹ Hiền; ngoài ra còn dùng một tài sản khác đang được thế chấp tại ngân hàng để cấn trừ nợ cho bà Hiền.

Theo hồ sơ, một số tài sản trong 18 tài sản mà bà Thảo dùng thế chấp cho hụi viên, sau đó bà Thảo đã sang tên cho người khác mà chưa thông qua hụi viên như đã thỏa thuận. Cụ thể, thửa đất 64, tờ bàn đồ 34, phường Bình Tân, Lagi được cấp “sổ đỏ” CS03356; thừa đất 34, tờ bản đồ 10 được cấp “sổ đỏ” CS04757 phường Tân An, Lagi đã sang tên cho ông Nguyễn Văn Thành vào ngày 16/3/2023; thừa đất 148, tờ bản đồ 17 phường Phước Hội, Lagi được cấp “sổ đỏ” CH00099; thửa đất 70a, tờ bản đồ số 3, phường Bình Tân, Lagi được cấp “sổ đỏ” CH02089; thửa đất 366 tờ bản đồ 23 phường Bình Tân được cấp “sổ đỏ” CS03265 đã sang tên cho ông Hồ Quốc Hưng vào ngày 10/ 5/2023; một thửa đất khác đã sang tên cho ông Trương Thế Tín vào ngày 23/06/2023; thửa đất 369 tờ bản đồ 07, xã Tân Hải đã sang tên cho bà Nguyễn Thị Tuyết vào ngày 31/3/2023.

Sau vụ việc vỡ hụi tại thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận, nhiều người chơi hụi băn khoăn, lo lắng liệu chủ hụi bị vỡ nợ thì người chơi có được pháp luật bảo vệ hay không? Việc xử lý tài sản sẽ như thế nào?

Trước sự việc trên, Luật gia Trần Hiếu Như Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, đối với vụ việc cụ thể nêu trên, hành vi của bà Thảo thì có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, để xác định bà Thảo có phạm tội và phạm tội nào theo quy định của Bộ luật hình sự hay không còn phụ thuộc vào các chứng cứ khách quan do người tố cáo cung cấp và kết quả điều tra của cơ quan điều tra.

hui-bt2-1717240031.jpg
 

Chơi hụi, họ là một trong những hình thức để huy động vốn nhàn rỗi, tương trợ trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận, quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:

“1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 quy định cụ thể hơn về hoạt động của hình thức này, trong đó quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi họ. Cũng theo Nghị định, hình thức họ bao gồm họ không có lãi và họ có lãi (gồm họ đầu thảo và họ hưởng hoa hồng).

Như vậy, khi người tham gia chơi họ dù ở hình thức nào nhưng nếu đảm bảo các nghĩa vụ của mình cũng đều được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP nêu rõ, một trong những nghĩa vụ của chủ họ hay người được ủy quyền cầm giữ tiền họ là “giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ”. Nếu chủ họ (hoặc người được ủy quyền cầm giữ tiền họ) vi phạm nghĩa vụ thì phải có trách nhiệm giao các phần họ đã thu được cho thành viên và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo Điều 29 Nghị định này:

Trong trường hợp chủ họ đã thu các phần họ của các thành viên nhưng không giao cho thành viên được lĩnh họ thì theo yêu cầu của thành viên có quyền lĩnh họ, chủ họ phải giao các phần họ đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có.

Chủ họ phải trả lãi đối với các phần họ giao chậm theo mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian giao chậm tại thời điểm giao các phần họ.

Trong trường hợp, chủ họ (hoặc người cầm tiền) tuyên bố vỡ họ, người đó phải gánh trách nhiệm pháp lý trước cơ quan Nhà nước và đối với những thành viên tham gia họ. Tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh họ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, nếu số tài sản thu được không đủ để thực hiện nghĩa vụ đối với tất cả các thành viên tham gia họ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh họ theo tỷ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở họ; phần tài sản bị hụt, không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia.